Huyền thoại ông Đình Tây và cá sấu Năm Chèo

Admin
Câu chuyện ông Đình Tây nuôi cá sấu Năm Chèo từ lâu đã trở thành huyền thoại linh thiêng gắn với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương từ thời kỳ khai hoang vùng Bảy Núi. Ngày nay, huyền thoại ấy vẫn có sức hút đặc biệt đối với du khách khi đặt chân đến miệt Thất Sơn hùng vĩ.

Trong lần đến thăm vùng đất Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang), tôi quyết tâm tìm hiểu câu chuyện liên quan đến ông Đình Tây và cá sấu Năm Chèo. Sau hàng trăm năm, huyền thoại ấy vẫn sống trong lòng dân gian như một phần tất yếu của vùng Thất Sơn kỳ bí. Giữa cái sắt se của ngày gió lạnh, câu chuyện ấy lại một lần nữa hiện lên qua lời kể ông Nguyễn Văn Mẫn, người đang trông coi mộ phần ông Đình Tây và là hậu duệ đời thứ 4 của nhân vật huyền thoại này.

“Ông Đình Tây tên thật Bùi Văn Tây (quên quán xã Bình Mỹ, Châu Phú), ông là đệ tử thứ 3 của Phật Thầy Tây An. Vì người vợ đầu là bà Trần Thị Trị mất sớm, ông buồn bã tìm đến vùng Hưng Thới, Xuân Sơn mới được khai hoang để phát nguyện tu hành theo Phật Thầy. Được Phật Thầy giao trông coi việc hương đăng, thờ cúng ở đình thần Thới Sơn nên người đời quen gọi là ông Đình Tây” - ông Mẫn kể.

Mộ ông Đình Tây và người vợ sau (bà Trần Thị Của) tại xã Thới Sơn (Tịnh Biên)  

Liên quan đến huyền thoại cá sấu Năm Chèo, ông Mẫn kể: “Một ngày nọ, Phật Thầy gọi ông Đình Tây đến bảo rằng: “Ngày mai ông nên đi về hướng Đông để làm một việc thiện. Việc này cấp bách, cần tranh thủ đi nhanh!”. Nghe lời thầy dạy, ông Đình Tây nhanh chóng lên đường vào tờ mờ sáng hôm sau và cứ thẳng hướng đông mà tiến. Đến vùng Láng Linh, ông Đình Tây thấy có người thiếu phụ đang trong cơn sinh nở nhưng không có chồng bên cạnh. Hàng xóm đã rước được bà mụ về nhưng chiếc giường cũ chỉ có 3 chân, không thể nằm sinh được. Nghe vậy, ông Đình Tây mới ghé vai vào tự nguyện làm chân giường thứ 4 để thiếu phụ có nơi sinh nở”.

Nhờ có ông Đình Tây và bà con lối xóm, thiếu phụ đã “mẹ tròn con vuông”. Người chồng làm nghề đánh bắt thủy sản, sau khi trở về nghe thuật lại câu chuyện rất cảm kích. Anh ta liền lấy hết số cá vừa bắt được biếu ân nhân của mình, nhưng ông Đình Tây không nhận. Tuy nhiên, trong số cá đó có một con cá sấu nhỏ mũi đỏ, mình ngũ sắc, điểm đặc biệt nữa là có 4 cái chân nhưng lại có đến 5 bàn chân (một bàn chân có mọc thêm cái móng đeo). Ông Đình Tây ấn tượng với con cá sấu này nên xin người ngư dân ấy mang về trình với Phật Thầy Tây An.

Thoạt nhìn thấy con cá sấu, Phật Thầy buông tiếng thở dài, bảo ông Đình Tây nên giải thoát cho nó (ý nói diệt bỏ), bởi đây là con “ngặc ngư” sẽ nhiễu hại dân lành sau này. Dù được thầy dạy, nhưng vì bản tính lương thiện nên ông Đình Tây không nỡ giết con cá sấu mà đem thả xuống hồ sen phía trước đình Thới Sơn. Sau 3 năm, con cá sấu to bằng cái khạp da bò và bộc lộ bản tính hung dữ. Ông Đình Tây lo ngại nên đã dùng xích sắt xiềng 1 chân con cá sấu lại và nghĩ rằng, nó không có cách nào thoát đi được.

Trong một đêm mưa to, con cá sấu tự cắn đứt 1 chân của mình để trốn về miệt Láng Linh. Khi phát hiện sự tình, ông Đình Tây báo lại cho Phật Thầy Tây An. Do đã dự đoán được sự tình, Phật Thầy liền giao cho ông Đình Tây 5 món "bảo bối", gồm: 2 cây lao, 1 cây mun cổ phụng, 1 lưỡi câu, 1 đường dây băng để đi bắt cá sấu Năm Chèo. Khi đến Láng Linh, ông Đình Tây nghe dân làng kể con cá sấu thường lên bắt heo, gà để ăn và thậm chí tấn công cả người.

Khi ông Đình Tây xuất hiện thì con cá sấu lặn mất. Sau nhiều chuyến tới lui vùng Láng Linh mà không bắt được con cá sấu, ông Đình Tây lập bàn hương án cầu: “Nếu ngươi chịu sám hối tu hành thì hãy chờ ngày hóa kiếp, không hại dân lành”. Từ sau đó, người ta không còn thấy cá sấu Năm Chèo nổi lên nhiễu hại dân lành. Ông Đình Tây cũng lui về đình Thới Sơn tiếp tục hành đạo cho đến khi mất vào năm 1914.

“Trải qua hàng trăm năm, những món "bửu bối" năm xưa Phật Thầy truyền cho ông Đình Tây vẫn được thế hệ con cháu chúng tôi gìn giữ, thờ phụng trong khu mộ của ông. Đây là bảo vật tinh thần, giúp chúng tôi không quên cội nguồn cũng như những huyền tích linh thiêng liên quan đến cha ông mình.

Giờ đây, câu chuyện ông Đình Tây nuôi cá sấu Năm Chèo vẫn được người dân truyền tai nhau như một chứng tích cho thời kỳ khai sơn phá thạch ở vùng Bảy Núi và cũng để khuyên con người nên sống có nghĩa, có nhân. Trong tương lai, khi tượng cá sấu Năm Chèo đình Thới Sơn được hình thành sẽ góp phần hiện thực hóa một phần huyền tích ly kỳ này, trở thành điểm nhấn cho du khách khi đến với vùng Thất Sơn huyền bí.

THANH TIẾN

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (097.738.1982)