Sữa chua bị tách nước có ăn được không?

Admin
Sữa chua là món ăn tốt cho sức khoẻ được nhiều người ưa chuộng. Một số trường hợp khi đang dùng sản phẩm, phát hiện sữa chua bị tách nước khiến không ít người lo lắng.

Sữa chua mang nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ đường ruột cũng như có khả năng cải thiện sức đề kháng. Nhiều bà nội trợ rất yêu thích tự làm sữa chua tại gia để cho cả gia đình thưởng thức. Nhưng lúc này tình trạng sữa chua bị tách nước thường xảy ra. Vậy đây có phải là dấu hiệu sữa chua bị hỏng? Nếu không thì làm sao để khắc phục? 

So sánh sữa chua tự làm và sữa chua công nghiệp

Trước khi đưa ra các nhận định so sánh sữa chua tự làm và sữa chua công nghiệp, bạn cần hiểu rõ về sản phẩm:

Sữa chua tự làm

Sữa chua nhà làm được chế biến từ sữa tươi và men sữa chua cái. Sữa chua nhà làm cần 6-8 tiếng để ủ hoặc phải để qua đêm. Đặc trưng vốn có của sữa chua nhà làm là có thời hạn sử dụng ngắn, hoàn toàn không có chất bảo quản, chất phụ gia công nghiệp và không thêm hương liệu. 

Tuy nhiên nhược điểm hay xảy ra ở quá trình làm sữa chua tại nhà là trục trặc trong lúc lên men thủ công nên dễ hỏng, thành phẩm không sánh mịn và bị tách nước. Tuy nhiên, nếu ai đã làm quen tay và tuân thủ các cách làm sữa chua khoa học thì sẽ tiết kiệm chi phí và an tâm hơn khi sử dụng. 

Sữa chua bị tách nước và những điều cần biết về chúng 1 Sữa chua tự làm và sữa chua công nghiệp thường được so sánh với nhau

Sữa chua công nghiệp

Với sữa chua công nghiệp, sản phẩm được sản xuất theo quy trình chuyên nghiệp, quy mô lớn và mang tính tiện dụng cho người dùng. Bạn chẳng mất nhiều thời gian và công sức để tự làm nhưng vẫn được ăn sữa chua sánh mịn và bổ dưỡng.

Ưu điểm của sữa chua công nghiệp là đa dạng hương vị và có thể bảo quản lâu hơn sữa chua nhà làm. Tuy nhiên nó sẽ có giá thành cao hơn so với tự làm tại nhà. 

Nhìn chung thì sữa chua nhà làm hay sữa chua công nghiệp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu bạn ưu tiên sự tiện lợi và ít quan tâm tới giá cả thì nên chọn sữa chua công nghiệp. Nếu bạn thích tự tay làm ra sữa chua hoàn thiện và tiết kiệm chi phí thì nên chọn cách tự làm. 

Sữa chua bị tách nước có ăn được không?

Sữa chua bị tách nước và những điều cần biết về chúng 2 Sữa chua bị tách nước còn hạn sử dụng vẫn có thể dùng bình thường

Như đã đề cập ở trên, sữa chua công nghiệp với quy trình sản xuất nghiêm ngặt và tỷ lệ đong đếm nguyên liệu chuẩn xác nên khó xảy ra tình trạng sữa chua bị không đông hay tách nước. Nhưng với sữa chua tự làm thì khả năng này xảy ra khá cao.

Tuy nhiên cho dù là sữa chua công nghiệp còn hạn sử dụng hay sữa chua nhà làm vừa hoàn thành bị tách nước thì cũng không nên lo lắng. 

Sữa chua bị tách nước sẽ có lớp nước màu vàng nhạt ở phía trên, đây còn gọi là nước Whey (phụ phẩm trong quá trình sản xuất sữa chua) và chúng không hề có hại cho sức khỏe. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự phá vỡ các thành tế bào của sữa.

Có thể do cách ủ chưa chuẩn nhiệt độ hoặc trong quá trình vận chuyển xảy ra va chạm nên các thành tế bào sữa bị vỡ gây tình trạng tách nước.

Vậy nên, nếu sữa chua có bị tách nước nhưng vẫn đang trong hạn sử dụng tốt, màu sắc và mùi vị không có gì thay đổi thì bạn hoàn toàn có thể dùng bình thường. Lớp nước whey phía trên cũng là nguồn protein và lợi khuẩn dồi dào. Chúng giàu đường lactose, galactose, canxi, phốt pho và lactic axit tốt cho sức khỏe. 

Cách khắc phục sữa chua bị tách nước

Sữa chua có hiện tượng tách nước vẫn dùng bình thường khi chưa hết hạn sử dụng. Phần nước whey bị tách có thể uống, hoặc nếu bạn không muốn thì có thể đổ chúng đi và tiếp tục ăn phần sữa chua phía dưới.

Bạn có thể tận dụng phần nước bị tách của sữa chua nhà làm để chế biến thành các món ăn khác như sinh tố hay ăn kèm với trái cây tươi. Hoặc bạn có thể dùng sữa chua để đắp mặt nạ da mặt, giúp da thêm mịn màng. 

Hiện tượng sữa chua bị tách nước thường xảy ra với cách tự làm tại nhà hơn, nên bạn cần nắm một số chú ý sau để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra:

  • Phải ủ từ 6 - 8 giờ ở 40 độ C, nếu nhiệt độ thấp hơn thì phải để qua đêm.
  • Nếu chưa bao giờ tự làm sữa chua tại nhà có thể dùng máy làm sữa chua hoặc ủ bằng lò nướng để dễ cài đặt nhiệt độ.
  • Tiệt trùng dụng cụ đựng trước khi làm sữa chua.
  • Phải lấy men cái ra ngoài cho hết lạnh trước khi làm.
  • Dùng sữa tươi nguyên kem và trộn men cái với sữa tươi thật đều tay, không khuấy quá mạnh. 

Bật mí cách làm sữa chua dẻo mịn không lo bị tách nước

Sữa chua bị tách nước và những điều cần biết về chúng 3 Chú ý công đoạn ủ khi làm sữa chua tại nhà để không bị tách nước

Dưới đây là cách làm sữa chua cho 4 người ăn đảm bảo thành phẩm sánh mịn và thơm ngon, không lo sữa chua bị tách nước:

  • Chuẩn bị 1 lít sữa tươi không đường, 1 hộp sữa chua không đường và một hộp sữa đặc có đường. Sau đó để hộp sữa chua ra ngoài nhiệt độ thường trước khi làm. Trong lúc này, bạn tranh thủ khử trùng dụng cụ như hũ đựng, muỗng thật sạch sẽ. 
  • Tiến hành bắc nồi lên bếp, cho 1 lon sữa đặc cùng 1 lít sữa tươi vào nồi, bật lửa nhỏ để đun và khuấy đều tay. Đun cho đến khi hỗn hợp lăn tăn bọt khí thì tắt bếp, nhưng vẫn tiếp tục khuấy đều cho đến khi sữa nguội ở 40 - 50 độ C là dừng.
  • Sau đó khuấy đều hộp sữa chua và rót từ từ vào hỗn hợp sữa ở trên, khuấy đều cho hoà tan rồi chế sữa vào từng hũ thuỷ tinh nhỏ, chờ cho nguội. Nếu hũ sữa đã nguội thì cho chúng vào thùng ủ, đặt lên giá rồi chế nước sôi xung quanh thùng, đậy nắp ủ kín trong 6 - 8 tiếng. 
  • Hoặc muốn đảm bảo sữa chua không bị tách nước, bạn làm nóng lò ở 70 - 80 độ C trong 5 phút, sau đó cho sữa chua vào, tắt lò. Sau 1 tiếng, bạn bật lò lên 50 - 60 độ C trong 2 - 3 phút và chờ thêm 1 tiếng nữa, bật lại nhiệt độ 50 - 60 độ C trong 1 - 2 phút. Tuyệt đối không mở lò nướng trong lúc ủ, với cách này sau 3 - 4 tiếng là sữa đã bắt đầu đông. Sau khi sữa đông thì lấy ra bảo quản lạnh. 

Trên đây là những chia sẻ về sữa chua bị tách nước. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn sẽ bớt lo lắng về tình trạng này nếu gặp phải và biết cách xử lý cho phù hợp. 

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (097.738.1982)