Nguồn: Shutterstock
Cập nhật lần cuối: 19 Tháng Tám 2016 | 2 phút - Thời gian đọc
Những người vừa mất đi người thân thường miêu tả cảm giác này như thể trái tim họ đang tan vỡ. Điều họ không biết là việc này hoàn toàn có thể dẫn đến suy tim.
Chết vì một trái tim tan vỡ nghe có vẻ giống như một tình huống bi kịch ta thường thấy xảy ra trong phim ảnh, nhưng bệnh cơ tim do căng thẳng, hay hội chứng trái tim tan vỡ, không những rất có thật, mà còn có nguy cơ gây tử vong.
Bệnh cơ tim do căng thẳng (hội chứng trái tim tan vỡ)
Bệnh cơ tim do căng thẳng, còn được biết đến với tên gọi hội chứng Takotsubo, là sự suy yếu thất trái, buồng bơm chính của tim . 'Takotsubo' trong tiếng Nhật có nghĩa là 'cái bẫy bạch tuộc'. Hội chứng Takotsubo được đặt tên này là vì buồng bơm chính bên trái của trái tim đang gặp vấn đề được cho rằng trông rất giống một chiếc bẫy bạch tuộc.
Tên gọi khác phổ biến của hội chứng này, 'hội chứng trái tim tan vỡ', bắt nguồn từ việc các nhà nghiên cứu nhận thấy những người bị mắc bệnh lý này thường đang chịu đựng căng thẳng tâm lý ở mức độ nghiêm trọng, chẳng hạn như đau khổ tột độ do mất đi một người thân yêu.
Nguyên nhân gây hội chứng trái tim tan vỡ
Mặc dù nguyên nhân của hội chứng trái tim tan vỡ vẫn chưa rõ ràng, các lý thuyết đang chỉ về căng thẳng như một tác nhân chính. Các tác nhân kích thích bao gồm: nhận tin xấu, mắc bệnh bất ngờ, mất đi một người thân, gặp tai nạn nghiêm trọng, hay thảm họa tự nhiên như động đất. Ngoài căng thẳng tâm lý, cơn suy tim cũng có thể được kích hoạt bởi căng thẳng thể chất, như hen suyễn hay hạ đường huyết.
Nhiều lý thuyết cho rằng một sự kiện căng thẳng có thể kích hoạt cơ chế "chiến đấu hay đầu hàng" (fight or flight response) trong hệ thần kinh, sau đó tiết ra một lượng lớn adrenaline, khiến tim bị ngừng hoạt động và không thể bơm máu đúng cách. Đó là lý do tại sao bệnh lý này còn được gọi là bệnh cơ tim do căng thẳng.
Dấu hiệu của hội chứng trái tim tan vỡ
Làm thế nào để biết liệu bạn có đang bị bệnh cơ tim do căng thẳng?
Các nghiên cứu đã chỉ ra 4 triệu chứng chính của hội chứng trái tim tan vỡ:
- Đau ngực
- Khó thở
- Đau cánh tay
- Đổ mồ hôi
Để chẩn đoán bệnh cơ tim do căng thẳng một cách chính xác, việc chụp mạch vành tim (coronary angiogram) thường được yêu cầu. Hình ảnh về mạch máu của bạn có thể giúp phân biệt đâu là suy tim và đâu là hội chứng trái tim tan vỡ.
Cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh cơ tim do căng thẳng. Những người mắc phải bệnh lý này thường trải qua quá trình điều trị tương tự như điều trị bệnh đau tim cho đến khi các bác sĩ đưa ra chẩn đoán rõ ràng.
Bệnh nhân thường được kê thuốc tim như thuốc ức chế enzyme chuyển đổi angiotensin (ACE), thuốc chẹn beta hoặc thuốc lợi tiểu, giúp giảm khối lượng công việc tim của bạn phải làm trong khi hồi phục.
Khám sàng lọc tim phòng ngừa là một biện pháp hiệu quả để xác định những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe tim mạch.
Để được an tâm hơn, hãy trò chuyện với một trong những bác sĩ chuyên khoa tim mạch ngay hôm nay, hoặc tìm hiểu cách thức yêu cầu bảo hiểm y tế chi trả cho các hóa đơn nằm viện của bạn.