Mộng thịt là sự tăng sinh bất thường của kết mạc, ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt. Người tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc bị kích ứng mắt mạn tính có nhiều nguy cơ bị mộng thịt. Bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị có thể gây giảm thị lực tiến triển. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ bên về căn bệnh của mắt này.
Mộng thịt là tình trạng kết mạc mắt phát triển bất thường
Mộng thịt hay còn gọi là mộng mắt (Tiếng Anh: Pterygium) là tình trạng tân sản bất thường và lành tính của kết mạc mắt.
Mộng có hình tam giác thường xuất hiện ở hai góc trong hoặc ngoài của mắt, mộng có xu hướng phát triển vào trung tâm giác mạc gây giảm thị lực.
2. Phân loại mộng thịt
Dựa vào kích thước và khả năng xâm lấn vào giác mạc, người ta chia mộng thịt thành 4 độ:
- Mộng độ 1: Mộng phát triển đến rìa giác mạc (lòng đen).
- Mộng độ 2: Mộng phát triển qua rìa giác mạc nhưng chưa đến bờ đồng tử (lỗ nhỏ màu đen, nằm chính giữa trung tâm mắt).
- Mộng độ 3: Mộng phát triển đến bờ đồng tử.
- Mộng độ 4: Mộng xâm lấn qua bờ đồng tử.
3. Nguyên nhân của bệnh mộng thịt
Nguyên nhân của mộng thịt được nhắc đến nhiều nhất đó là tình trạng tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời trong nhiều năm. Ngoài ra, hiện tượng viêm kết mạc, kích ứng với gió bụi phấn hoa cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình bệnh sinh của mộng thịt.
Tiếp xúc lâu dài với tia UV, gió và bụi gây mộng thịt
4. Dấu hiệu nhận biết mộng thịt
Mộng thịt là bệnh lý nằm ở kết giác mạc nên bệnh nhân có thể tự nhận biết. Triệu chứng là một khối bất thường hình tam giác có đỉnh hướng về trung tâm giác mạc.
5. Đối tượng dễ bị mộng thịt
Những người có thời gian tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời, gió bụi như: tài xế, nông dân, công nhân công trình, người dân sống ở vùng biển,… hoặc người thường xuyên tiếp xúc với hơi nóng như: đầu bếp, thợ hàn,… là đối tượng dễ bị mộng mắt.
6. Mộng thịt ở mắt có nguy hiểm không?
Về mặt giải phẫu bệnh thì mộng thịt là một khối tăng sản lành tính. Tuy nhiên khi mộng thịt phát triển quá lớn sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực bệnh nhân và gây giảm thị lực không hồi phục. Do đó việc thăm khám và theo dõi đối với mộng thịt là cần thiết.
7. Phân biệt mộng mỡ và mộng thịt ở mắt
Mộng mỡ là một khối màu vàng nhạt màu, ít có mạch máu. Mộng mỡ thường chỉ khu trú ở kết mạc và không phát triển vào giác mạc như mộng thịt nên không gây giảm thị lực. Mộng mỡ cũng ít gây kích thích khó chịu cho bệnh nhân như mộng thịt.
8. Chẩn đoán mộng thịt như thế nào?
Mộng thịt được chẩn đoán và phân độ bởi bác sĩ nhãn khoa trên sinh hiển vi khám mắt.
Khám mộng thịt bằng sinh hiển vi khám mắt
9. Phương pháp điều trị bệnh mộng thịt
Việc sử dụng thuốc nhỏ hay thuốc mỡ bôi mắt chỉ giúp làm giảm các triệu chứng và không phải thuốc chữa bệnh. Chỉ có phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất có thể loại bỏ mộng thịt.
Hiện có 3 phương pháp điều trị phẫu thuật mộng mắt chính bao gồm:
- Phương pháp cắt mộng đơn thuần: Nhanh, không đòi hỏi kỹ thuật và trang thiết bị phức tạp. Tuy nhiên tỉ lệ tái phát mộng thịt cao.
- Phương pháp cắt mộng có ghép kết mạc tự thân: Đòi hỏi có sinh hiển vi phẫu thuật, phẫu thuật viên có tay nghề cao. Tỉ lệ tái phát thấp, an toàn, hiệu quả, là phương pháp đang được các cơ sở y tế áp dụng rộng rãi.
- Phương pháp ghép kết mạc có vạt xoay: Là phương pháp mới không yêu cầu trang thiết bị quá phức tạp, an toàn, hiệu quả, tỉ lệ tái phát thấp.
10. Cách phòng ngừa bệnh mộng thịt
Mộng thịt là bệnh lý dễ tái phát ngay cả khi đã được điều trị bằng phẫu thuật. Vậy nên việc phòng ngừa trước các yếu tố nguy cơ là khá quan trọng.
Có thể phòng ngừa bệnh mộng mắt bằng cách:
- Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hơi nóng, gió, bụi.
- Đối với các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ này thì cần đeo kính bảo hộ trong quá trình làm việc.
- Khi đi ra ngoài nắng, nên đeo kính râm chống tia cực tím và đội mũ rộng vành để bảo vệ đôi mắt khởi bức xạ mặt trời.
- Điều trị tốt các vấn đề như khô mắt và viêm nhiễm ở mắt cũng có tác dụng hạn chế sự hình thành và phát triển mộng thịt tại mắt.
Nếu bạn thấy có một khối trong mắt xuất hiện bất thường thì hãy đến gặp bác sĩ mắt để được thăm khám và tư vấn điều trị. Nhìn chung, mộng thịt nên được điều trị sớm trước khi nó phát triển trên giác mạc vì có thể làm sẹo giác mạc và gây mất thị lực không phục hồi.
Tư vấn chuyên môn: BS.CKI Phạm Lê Hoàng Anh - Bác sĩ Khoa Mắt, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1