Nhiều nhà vườn dù luyến tiếc mít nghệ, là loại ngon trong dòng mít bản địa, nhưng đành phải đốn mít nghệ lấy đất trồng mít Thái chỉ vì mít Thái siêng bông, say trái, nặng ký - bán một trái có cả triệu đồng. Việc lựa chọn “cây gì? “, làm thế nào đều gắn với chuyện căn cơ, bền vững hay lên bờ xuống ruộng.
Loại quả “ siêu trọng” duy nhất trên thế giới
Mít được chào bán ở chợ Gia Hưng, Chiết Giang - ảnh Produce Report
Mít (danh pháp khoa học Artocarpus heterophyllus Lam) là loại trái thần kỳ, chưa có loại cây nào chỉ một trái nặng 30-40 kg như mít. Ông Jack Anil đang điều hành một vườn ươm mít suốt 17 năm qua tại Karnataka, Ấn Độ và là nhà nghiên cứu giống mít Thái, lại không nghĩ trọng lượng quyết định mọi thứ nên ông chăm chỉ chọn giống mít ngon, năng suất cao, đáp ứng thói quen tiêu dùng và công nghiệp chế biến thực phẩm. Một trong số đó là "Ninni Thai", giống lùn trồng hai năm có trái và có thể được trồng trong chậu. Một giống khác là "Prasanthi", có thể cho trái trong thời gian trái mùa. Ngược lại, ở xứ mình, nhiều người bán cây giống chỉ biết mít Thái vì nặng ký là ưu tiên số 1. Thế là hết, không cần biết gì nhiều và cứ thế diện tích mít Thái Lan rộng tới 50.000 ha. Một vài trang web bán cây giống ghi giống “Chang Gai”. Người Thái gọi mít là Khanoon (Khanun), nhưng có nhiều loại giống, liệu giống đang trồng có phải là loại ngon nhất?
“Thương lái mua đi bán lại cho Trung Quốc, chắc ngon họ mới mua”- Nhiều người trồng mít nói về cách chọn lựa cây trồng để chinh phục thị trường! Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu mít các loại từ Việt Nam sang Trung Quốc khoảng 66,73 triệu USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu mít tươi khoảng 60,29 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là mít Thái. Mùa bán mít từ tháng 10 đến cuối tháng 5 năm sau, phần lớn từ Thái Lan và Việt Nam chở trên các xe tải, mỗi xe chở 25 tấn mít, theo đường bộ qua thành phố Bằng Tường, Tỉnh Quảng Tây đến Gia Hưng, ông Hu Sunfei, Phó Tổng Giám đốc Chợ trái cây Gia Hưng (chuyên bán mít ở Chiết Giang, Trung Quốc) nói với tờ “Produce Report”: Bạn có thể tìm thấy mít tươi tại chợ của chúng tôi chỉ sáu ngày sau khi rời nơi xuất xứ.
Có lẻ vì đồng vốn quay nhanh nên dù giá mít sấy lên tới 6.613 USD/tấn, mít đông lạnh 1.525 USD/tấn, mít tươi 418 USD/tấn, nhưng dân ta vẫn thích bán trái tươi – giá hàng thô.
Giá xuất khẩu bình quân tính đến 15 ngày đầu tháng 6 - 2020
Chủng loại |
Giá XKBQ 15 ngày đầu T6/2020 (USD/tấn) |
So với 15 ngày cuối T5/2020 (%) |
So với 15 ngày đầu T6/2019 (%) |
Giá XKBQ cộng dồn hết ngày 15/6/2020 (USD/tấn) |
So với cùng kỳ năm 2019 (%) |
Mít |
418,4 |
-7,5 |
-6,4 |
444,4 |
3,1 |
Mít tươi |
397,8 |
-6,5 |
-2,3 |
423,9 |
3,5 |
Mít sấy |
6.613,3 |
-5,7 |
-0,7 |
6.865,3 |
18,2 |
Mít đông lạnh |
1.525,6 |
11,5 |
-2,9 |
1.718,3 |
-9,0 |
Nguồn Tổng cục Hải Quan
Mặt hàng trong danh mục xuất khẩu chính ngạch
Mít là 1 trong 9 mặt hàng trong danh mục xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc (bao gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt). Thực ra, các nhà sản xuất mít lớn trên toàn cầu cung cấp cho Trung Quốc bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia… Trong số này, Ấn Độ là nguồn cung với sản lượng mít lớn nhất (Tình hình biên giới Trung - Ấn ảnh hưởng đến việc mua- bán). Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia tích cực đàm phán để xuất khẩu mít sang Trung Quốc và là những người giỏi nhất trong việc làm thương hiệu. Người Thái cũng bán mít sang Trung Quốc, nhưng có vẻ như họ cứ để mít Thái tràn ngập các chợ. Dù từ nguồn nào, ở đâu thì cũng chỉ là mít Thái, nếu khác thì chỉ có giống mít Malaysia, Ấn Độ. Trong khi Malaysia nói rõ J2, J27, J28, J 29, J 30 …là những giống Nangka có bản quyền từ năm 1939, người Thái cứ thả lỏng cho Khanun có bản quyền tuôn chảy vào thị trường.
Theo Benjamin Henry, đến sáng ngày 13 tháng 6, chợ bán buôn Bắc Kinh Xinfadi đã bị khóa hoàn toàn. Một số người xác định dương tính với Covid 19 đã ghé thăm năm chợ khác ở Bắc Kinh, trong đó có chợ hải sản Jingshen nên chợ cũng sẽ tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa một số khu vực nhất định. Xinfadi là chợ bán buôn nông sản lớn nhất ở Bắc Kinh và toàn miền bắc Trung Quốc, trong một ngày, thông thường chợ bán 20.000 tấn trái cây và 18.000 tấn rau tiêu thụ ở Bắc Kinh. Năm 2019, lưu lượng hàng hóa qua chợ này trên 17,49 triệu tấn nông sản, bao gồm 1,99 triệu tấn trái cây nhập khẩu. Tổng doanh thu chợ là 131,9 tỷ nhân dân tệ (18,6 tỷ USD).
Hiện nay, chợ trái cây Gia Hưng khai trương vào tháng 9 năm 2018 ở Chiết Giang (Trung Quốc), đang trở thành một trung tâm phân phối trái cây tươi từ Đông Nam Á, trong đó có mít. Năm 2016, chợ trái cây này chỉ giao dịch 2.349 tấn mít nhưng 1 năm sau, lượng giao dịch đã tăng vọt lên 29.300 tấn. Đến cuối tháng 12 năm 2018, con số này tiếp tục vượt 38.200 tấn và cho đến nay là chợ mít lớn nhất Trung Quốc.
Bà Aschariya Juntaravong, tham tán nông nghiệp thuộc Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại Thượng Hải, cho biết Thái Lan đã xuất khẩu 38.709 tấn mít trị giá khoảng 14,67 triệu USD trong năm 2018, trong đó chợ mít Trung Quốc chiếm 47,1% tổng lượng xuất khẩu mít Thái theo khối lượng và 55,5% theo giá trị. Đây là mốc tăng tốc của Khanun.
Không thể cứ mải miết bán hàng thô
Truyền thông Malaysia khẳng định mít Malaysia có chất lượng tuyệt vời, tuy nhiên, các thương nhân ở chợ mít Gia Hưng nhận xét những nỗ lực tiếp thị vẫn chưa đủ so với Thái Lan.
Tiếng Anh thông dụng Jackfruit (mít) là đặt theo tên của William Jack (1795 - 1822), một nhà thực vật học người Scotland làm việc cho Công ty Đông Ấn ở Bengal, Sumatra và Malaysia. Nhà thực vật học Ralph Randles Stewart khẳng định như vậy, dù trước đó, mít được Michael Boym minh họa trong cuốn sách Flora Sinensis, năm 1656.
Thực ra, từ "mít" xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha, có nguồn gốc từ thuật ngữ tiếng Malayalam chakka (Malayalam chakka pazham). Khi người Bồ Đào Nha đến Ấn Độ tại Kozhikode (Calicut) trên bờ biển Malabar (Kerala) năm 1498, tên tiếng Malayalam chakka đã được ghi lại bởi Hendrik van Rheede (1678- 1703) ở Hortus Malabaricus, bằng tiếng Latin. Henry Yule đã dịch cuốn sách ở Jordanus Catalani (f. 1321 -1330) mô tả loại trái vừa có vị khóm, chuối, mùi thơm như kỳ quan của phương Đông. Nhưng tới khi đặt tên theo William Jack, có ý nghĩa về những ấn tượng khi đưa loại trái thần kỳ này ra thương trường. Bangladesh và Sri Lanka xem mít là cây quốc gia, còn Kerala và Tamil Nadu của Ấn Độ là cái nôi của mít. Hiện nay, Kerala vẫn là nhà sản xuất mít lớn nhất thế giới.
Hầu hết các quốc gia xuất khẩu mít, đặc biệt là Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia hết sức chú trọng việc nghiên cứu chế biến món ăn, chế độ dinh dưỡng và nhiều cách huyền biến bếp núc đa dạng và tinh tế từ nguồn nguyên liệu này. Đặc biệt món ca-ri với thịt và mít (chưa chín) được chế biến rất độc đáo, khéo léo tới mức mít được ví như thịt từ thực vật. Hơn thế nữa, mít còn chứa nhiều dược tính từ hạt, múi mít và gỗ để tạt tượng thờ hoặc sản phẩm chạm khắc cao cấp.
Ảnh nhà vườn bao trái để tránh côn trùng gây hại - Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Nếu hỏi rằng “ Ai yêu mít Thái nhất?”. Câu trả lời là Việt Nam.
Nhà nhà sẵn sàng trãm mít nghệ, trồng mít Thái bán cho lái bán sang Trung Quốc theo tiểu ngạch trong khi mít có tên trong danh mục xuất khẩu chính ngạch.
Hàng từ Việt Nam sang, tiến bộ hơn nhờ bao giấy craft, chợ vẫn gọi là mít Thái. Tương lai Trung Quốc sẽ phát triển 180.000 ha mít. Khi họ chọn giống mít Thái để trồng thì nhà vườn sẽ tính sao?
Đã đến lúc phải tính lại việc trồng mít bán theo chính ngạch, an toàn và dễ truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, không thể cứ trồng mít bán thô. Hiện nay điểm nghẽn của “mít mượn hồn” là thiếu liên kết nghiên cứu khai thác dược tính, giá trị dinh dưỡng, không coi trọng liên kết chuỗi giá trị nên lên bờ xuống ruộng là chuyện khó tránh khỏi. Cách làm cũ không chỉ chứng minh sự lãng phí tài nguyên, công sức mà còn cho các nước xuất khẩu mít thấy chúng ta quá lạc hậu./.
Gia Viên - Trung Tâm BSA
Admin
Link nội dung: https://caigihay.vn/tinh-yeu-mit-thai-1732497911-a10066.html