Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố bốn bức ảnh không gian mới nhất, giúp con người có cái nhìn sơ lược về hai thiên hà: một tinh vân và một cụm sao.
Ảnh được chụp lại từ những dữ liệu tia X và dữ liệu hồng ngoại do đài quan sát Chandra, kính viễn vọng không gian James Webb và kính viễn vọng không gian Hubble thu thập được.
“Bốn bức ảnh chụp lại những thứ không thể quan sát bằng mắt thường”, NASA cho biết trong một tuyên bố.
Cụm sao NGC346 đầy màu sắc
NGC346 là một cụm sao thuộc thiên hà lùn Đám mây Magellan Nhỏ (SMC), cách Trái đất khoảng 200.000 năm ánh sáng.
Cụm sao NGC346 trông giống như một thành phố lớn và có thể là nơi “cư ngụ” của hàng trăm đến hàng triệu ngôi sao.
Nhờ kính viễn vọng James Webb, con người đã có thể nhìn thấy các vùng khí và bụi này dưới dạng một làn sương mù màu hồng tím xen lẫn các ngôi sao sáng rực rỡ.
Cũng theo NASA, những dữ liệu của Chandra cũng tiết lộ về sự tồn tại của các ngôi sao trẻ, nóng và nặng, phát ra những cơn gió mạnh từ bề mặt.
Ngoài ra, trong bức ảnh quan sát được từ Chandra cũng cho thấy một đám mây màu tím, được xem là tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh do một ngôi sao lớn gây ra.
Thiên hà xoắn ốc NGC1672
Các nhà thiên văn xếp NGC1672 vào loại thiên hà xoắn ốc “có rào chắn” dựa trên hình dạng của nó. Nó cách Trái đất khoảng 60 triệu năm ánh sáng.
Bức ảnh do Chandra phân tích được cho thấy các lỗ đen đang trong quá trình “tiêu hóa” các ngôi sao xung quanh nó, tàn dư của một vụ nổ siêu tân tinh và sao neutron.
Thiên hà xoắn ốc M74
Messier74 (M74) cách Trái đất 32 triệu năm ánh sáng và cũng là một thiên hà xoắn ốc giống như Dải Ngân Hà của chúng ta.
Tuy nhiên, thi thoảng M74 cũng được gọi là Thiên hà bóng ma bởi nó tương đối mờ và khó quan sát bằng kính viễn vọng bởi nhỏ hơn so với một số thiên hà khác.
Theo NASA, hình ảnh hồng ngoại từ kính viễn vọng không gian James Webb cho thấy khí và bụi bao quanh M74, còn dữ liệu của Chandra "bắt được" hoạt động năng lượng của các ngôi sao trong thiên hà.
Trong khi đó, dữ liệu quang học của kính viễn vọng Hubble lại cho thấy thêm các ngôi sao và bụi bổ sung trong các làn bụi.
Tinh vân Đại bàng M16
Messier16 (M16) hay còn được gọi là tinh vân Đại bàng, nằm cách Trái đất khoảng 6.500 năm ánh sáng.
Bức ảnh đã chụp lại một khu vực thiên thể nổi tiếng thường được gọi là “các trụ cột của sáng tạo”, bao gồm các đám mây bụi và khí dày đặc - cũng chính là nơi các ngôi sao mới nổi đang trong giai đoạn hình thành ban đầu.