Tháng giêng âm lịch hàng năm là mùa sứa biển Cô Tô, mùa mà ngư dân vùng này có thể kiếm hàng chục triệu đồng. Vì thế loài vật dưới biển sâu này được mệnh danh “vàng trắng” của dân đảo Cô Tô.
Ngày trước, sứa biển luôn là nỗi lo của ngư dân vì sứa thường làm rách lưới. Từ năm 2010, khi món nộm sứa phổ biến thì nhiều du khách đã biết và yêu thích món ăn này. Loài nhuyễn thể này tuy không có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại chứa một số loại vitamin không thể thay thế và axit nicitinic, giàu khoáng chất Na, Ca, K, Mg.
Những người ngư dân nhiều năm vớt sứa biển Cô Tô cho hay, đi vớt sứa là một trong những nghề dễ nhất trong tất cả những công việc đánh bắt ngoài biển. Cứ khi nào thời tiết đang lạnh mà chuyển sang ấm là sứa sẽ về nhiều.
Do sứa vào mùa nổi sát mặt nước và di chuyển chậm chạp nên công cụ ra khơi chỉ cần một chiếc tàu nhỏ, vài cái vợt lưới, thêm đèn pha là đủ. Với con tàu 36 mã lực, mỗi ngày một gia đình có bốn người có thể vớt được khoảng 400 con sứa.
Từ tháng Giêng đến tháng 4 hàng năm, sứa đủ màu trắng, xanh, đỏ cứ thế trôi nổi đầy ắp trên mặt biển Cô Tô cho ngư dân vớt, ai có sức khỏe sẽ vớt được nhiều. Ngư dân dùng vợt vớt sứa, sứa nhỏ thì lấy cả con, sứa to thì giật nón sứa bỏ đi chỉ lấy phần chân, vớt từ đêm đến sáng rồi đưa sứa vào bờ bán.
Nghề vớt sứa hoàn toàn phụ thuộc vào dòng chảy của nước và gió biển. Vì thế khi gặp thời tiết, dòng nước thuận lợi mới có thể khai thác sứa biển Cô Tô một cách dễ dàng, đạt sản lượng cao.
Vớt sứa tưởng là nghề nhẹ nhàng mà cũng rất vất vả. Sứa tích nước biển nên rất nặng, trung bình 15-20kg, có thể tới 50-60kg cho mỗi con, chưa kể tay chân bị sứa đốt sưng vù, tấy đỏ. Tuy vậy công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng khi giá mỗi con sứa từ 10.000 – 40.000 đồng. Có tàu vớt được trên 1.000 con mỗi đêm, thu cả chục triệu đồng. Tính cả vụ mỗi tàu có thể thu nhập 300 – 500 triệu đồng, cao hơn so với đánh bắt cá truyền thống.
Nhưng sứa biển Cô Tô chỉ thực sự trở thành “vàng trắng” khi qua tay các xưởng chế biến. Trên địa bàn đảo lớn Cô Tô và xã đảo Thanh Lân, các xưởng chế biến sứa nằm nối nhau dài dằng dặc, hoạt động đêm ngày tạo ra tiếng máy móc vang động.
Theo ngư dân Cô Tô, sứa sau khi được đánh bắt về được phân loại, đưa vào bể máy quay ly tâm để làm sạch nhớt và thải hết tạp chất. Trong đó, phần chân sứa có giá trị chất dinh dưỡng cao, chế biến món ăn ngon hơn các phần còn lại nên được giữ lại nhiều hơn các phần khác.
Sau khi quay ly tâm 10-12 tiếng, sứa được đưa ra bể nước muối với nồng độ muối tăng dần đến 20% – 25%, ngâm trong vài ngày đến một tháng để sứa cứng, trắng, khô ráo là thành phẩm hoàn chỉnh.
Sứa thành phẩm được mang đóng thùng bán trong nước và xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc. Hiện sứa có giá từ 150.000-200.000 đồng/thùng (bán trong nước), 300.000-500.000 đồng/thùng (xuất khẩu sang Trung Quốc), riêng loài sứa đỏ có thể bán ra với giá cả triệu.
Sứa biển Cô Tô có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, lạ miệng. Món ăn từ sứa được yêu thích hơn cả là món nộm sứa. Món nộm sử dụng nguyên liệu là sứa đã được sơ chế, chần qua nước sôi, trộn với các loại rau, thịt và gia vị.
Tùy vùng miền, nộm sứa có thể được chế biến khác nhau đôi chút, nhưng không thể thiếu các loại rau câu, đu đủ xanh, cà rốt, ngó sen, hoa chuối. Rau rửa sạch, thái mỏng, trộn với thịt gà xé, tôm nõn thái nhỏ, giò lụa thái chỉ; các loại hạt lạc, vừng, hạt điều rang chín, giã nhỏ; và các gia vị.
Nộm sứa ăn giòn, thanh mát và có mùi vị lạ miệng. Nhiều du khách đến Cô Tô ăn món nộm sứa thấy hấp dẫn nên đặt mua các thùng sứa đã chế biến về ăn dần. Từ đó sứa Cô Tô trở thành đặc sản thương hiệu của vùng biển tiền tiêu!
Theo iVIVU.com
Click đặt ngay khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
iVIVU.com Tháng Mười Một 16, 2022
(2 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...
Admin
Link nội dung: https://caigihay.vn/sua-bien-co-to-san-vat-duoc-menh-danh-vang-trang-1732210813-a9108.html