Vì sao hồ ly chín đuôi biến thành yêu nghiệt?

Admin
Vào tháng 3 năm 2022, "tảng đá sát sinh" gần miệng núi lửa thuộc cao nguyên Nasu, tỉnh To...

Vào tháng 3 năm 2022, “tảng đá sát sinh” gần miệng núi lửa thuộc cao nguyên Nasu, tỉnh Tochigi, Nhật Bản, bị nứt vỡ; tương truyền đây là một trong những tảng đá dùng để trấn áp hồ ly chín đuôi. 

Hình tượng hồ ly chín đuôi trong truyền thuyết ở Nhật Bản là sự dung hợp nội hàm văn hóa giữa ba nước gồm Thiên Trúc, Trung Quốc và Nhật Bản mà thành. Hồ ly chín đuôi trong văn hóa Trung Quốc nguyên vốn là cát thú, tiên thú mang điềm lành, sao có thể biến thành yêu nghiệt?

Hồ ly (cáo) chín đuôi sớm nhất trong văn hóa Trung Hoa

Trong văn hóa Trung Hoa, hình tượng cáo chín đuôi đã có từ lâu. Từ thời cửu viễn, đã có rất nhiều ghi chép được lưu lại trong “Sơn Hải Kinh”:

“Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Đông Kinh” ghi: “Thanh Khâu chi quốc, hữu hồ cửu vĩ.” – ý là nước Thanh Khâu, có cáo chín đuôi.

“Sơn Hải Kinh – Hải Ngoại Đông Kinh” ghi: “Thanh Khâu quốc tại kỳ bắc, ký hồ tứ tức cửu vĩ.” – ý là tại phía bắc nước Thanh Khâu có cáo bốn chân chín đuôi.

“Sơn Hải Kinh – Nam Sơn Kinh” ghi: “Thanh Khâu chi sơn … hữu thú yên, kì trạng như hồ nhi cửu vĩ (tức cửu vĩ hồ), kì âm như anh nhi, năng thực nhân, thực giả bất cổ.” – ý là vùng núi ở Thanh Khâu … có những con thú, hình dáng giống cáo mà có chín đuôi (tức cáo chín đuôi), tiếng kêu như trẻ sơ sinh, có thể ăn người, người ăn thịt nó có thể khiến không bị yêu tà độc khí xâm nhiễu.

Những con cáo chín đuôi được ghi chép trong “Sơn Hải Kinh” này là một loại sinh vật tự nhiên, không có đặc tính thiện ác của tiên thú hay yêu nghiệt, có thể gọi là một loại “dị thú”. Cáo chín đuôi có thể ăn thịt người, thịt của nó cũng ăn được, sau khi ăn thịt nó sẽ không bị khí tà ma xâm nhiễu, không bị trùng độc xâm hại.

Hồ ly chín đuôi từng là cát thú mang điềm lành

Hồ ly chín đuôi thời thượng cổ từng tượng trưng cho điềm lành. Cái đuôi lớn bồng bồng của hồ ly chín đuôi tượng trưng cho sức sống và năng lực sinh sản mạnh mẽ, ngoại hình đầu nhỏ đuôi lớn tượng trưng cho càng ngày càng hưng thịnh.

Đây là bức chân dung hồ ly chín đuôi trong “Sơn Hải Kinh” được tái bản vào thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Cuốn “Kim Lâu Tử – Hưng Vương” ghi lại rằng có một vị Thần thân người đầu hổ, hiến gương ngọc và hồ ly trắng chín đuôi cho Thương Thang.

Cuốn “Thượng Thư Đại Truyền” ghi chép, khi Văn Vương bị bắt giam tại Dũ Lý, Tản Nghi Sinh đã đi đến bờ biển phía Tây, bắt được một con hồ ly trắng chín đuôi hiến tặng Trụ Vương, Trụ Vương rất vui thích. Sau này Văn Vương được phóng thích, tộc Đông Di đều đến quy thuận Văn Vương. Quách Phác, một học giả thời Đông Tấn, đã viết “Cửu Vĩ Hồ Tán”, khen ngợi kỳ thú của Thanh Khâu xuất hiện tại thời đại Chu Văn Vương, là do Văn Vương đức lớn cảm động Thiên Địa, mới xuất hiện cảm ứng cát tường, viết rằng: “Thanh Khâu kỳ thú, cửu vĩ chi hồ. Hữu đạo hàm kiến, xuất tắc hàm thư. Tác thụy chu văn, dĩ tiêu linh phù.”

Vào thời Đông Hán, hình tượng thú lành của hồ ly chín đuôi càng được trọng thị. Cuốn “Bạch hổ thông đức luận – Phong thiện” nói, Hoàng Đế có đại đức, cảm ứng chim thú, tới đâu liền xuất hiện thụy thú mang điềm lành, ví như phượng hoàng, kỳ lân, cáo chín đuôi là một trong số đó. Hoàng Đế bởi sẵn có 9 đức, cáo chín đuôi mới xuất hiện, mà hình tượng đuôi bồng sắc trắng là báo hiệu thái bình thịnh thế, biểu trưng con cháu đời sau sinh sôi đông đúc. 

Trong “Ngô Việt xuân thu · Việt Vương vô dư ngoại truyền” được viết bởi Triệu Diệp thời Đông Hán, có ghi chép rằng Đại Vũ lấy vợ ở Đồ Sơn là điềm lành được cáo trắng chín đuôi khải thị. Đại Vũ trị thủy bôn ba khắp nơi tại 9 châu ở Trung Quốc, đến 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ, trong lòng vấn vương một nỗi lo, e quá tuổi lấy vợ, ảnh hưởng đến truyền tông tiếp đại, không thuận lễ chế. Lúc đó ông đến Đồ Sơn, liền thuyết đạo: “Ta muốn lấy vợ, tất có dấu hiệu biểu trưng xuất hiện!” Chẳng bao lâu, quả nhiên có cáo trắng chín đuôi xuất hiện ngay trước mặt Đại Vũ. Đại Vũ nói: “Màu trắng là y phục của ta; 9 cái đuôi chính là biểu chứng của Vương.” Vì vậy, Đại Vũ đã lấy vợ tại Đồ Sơn; vào ngày thứ tư sau khi thành hôn, ông liền tiếp tục đại nghiệp trị thủy.

“Đông Quan Hải Ký” ghi chép rằng, vào năm Chương Đế Nguyên Hòa thứ hai, thiên hạ đại trị, xuất hiện rất nhiều thụy ứng (điềm lành), bao gồm cả cáo chín đuôi, được sử quan ghi lại. Hán Chương Đế cải biến pháp chế nghiêm ngặt, là một quân vương có đạo, khoan hậu và rộng lượng. Cáo trắng chín đuôi là dấu hiệu của Thiên giáng điềm lành, ứng với hảo sự tại nhân gian.

Hồ ly chín đuôi có liên quan đến Thần giới

Trong học thuyết âm dương, ký tự số “chín” là số cực dương, nằm ở vị trí vật cực tất phản. Chín cái đuôi của nó uẩn hàm đặc điểm tính chất chuyển biến đảo cực âm dương, ví như “Cửu Tuyền” là chỉ minh giới (âm phủ). Trong “Lễ Kí – Đàn Cung” cũng mô tả “Cửu Kinh”, “Cửu Nguyên” chỉ nghĩa trang; thời Xuân Thu, mộ của thừa tướng nước Tấn nằm tại Cửu Nguyên. Trong các bức họa trên tường mộ thời Đông Hán, trong số các động vật thần thú bao quanh nữ thần Tây Vương Mẫu có hồ ly chín đuôi.

Hy vọng lớn nhất của sinh mệnh chính là thăng Thiên. Tây Vương Mẫu là vị Thần trọng yếu nhất trong các bức tranh lăng mộ thời nhà Hán, người dân tin rằng bà là vị Thần cứu nạn, bảo hộ và ban phúc. Hồ ly chín đuôi là một trong những thần thú nơi tiên giới phục vụ hầu hạ Tây Vương Mẫu.

Hình ảnh của hồ ly chín đuôi cũng được phát hiện trong các lăng mộ thời Chiến Quốc được khai quật vào năm 1978. Đó là một món đồ bằng đồng khắc hoa văn được khai quật từ Lăng mộ thời Chiến quốc ở Cao Trang, Hoài Âm.

Đến thời Đông Hán, các họa tượng trên đá, trên gạch, tranh tường (bích họa), đồ sơn mài, tiền xu, gương đồng, v.v. và các vật dụng khác đều thường thấy hình tượng Tây Vương Mẫu và các thần thú như thỏ, hồ ly chín đuôi và chim ba chân. Một số hồ ly chín đuôi là tùy tùng đeo kiếm. Ở Thông Kiều, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, hình tượng hồ ly chín đuôi đang chạy trên gạch nung đẹp và sống động; còn hồ ly chín đuôi ở khu vực Bành Sơn, Thạch Quan thuộc tỉnh Tứ Xuyên, thì trên thân còn có đôi cánh, là thần thú ở tiên giới được vũ hóa (có cánh). Hồ ly 9 đuôi thời thượng cổ, đa số trình hiện thêm một đuôi chủ riêng biệt ngoài hình tượng chín đuôi.

Hồ ly chín đuôi hậu đại vì sao lại biến thành yêu nghiệt?

Họa tượng Đát Kỷ bị phụ thể hồ ly chín đuôi bám trên thân, xuất hiện từ thời đại Edo trên “Bắc Trai Mạn Họa” của họa sĩ Katsushika Hokusai. (phạm vi công cộng)

Đồng dạng là thuyết minh về hồ ly vào thời Đông Hán, tác phẩm “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận cho rằng hồ ly có hai chủng đặc tính âm dương, nghĩa là nó có tính hai mặt. Đặc tính âm là: “Hồ, yêu thú dã, quỷ sở thặng chi”, ý nói hồ ly ẩn tàng trong mộ huyệt cổ quỷ cảnh, bị quỷ bám lên thân, hồ ly liền biến thành yêu thú. Như trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, Thần Nữ Oa phái hồ ly tinh 9 đuôi ngàn tuổi đến mê hoặc Trụ Vương, nó chính là bước ra từ mộ cổ của Hiên Viên Hoàng Đế, thủy tổ của người Hoa Hạ.

Cuốn “Bão Phác Tử” của Cát Hồng thời nhà Tấn có đoạn ghi: “Hồ ly sài lang, giai thọ bát bách tuế. Mãn ngũ bách tuế, tắc thiện biến vi nhân hình”, ý tứ là cáo và sói, đều thọ đến 800 tuổi. Tròn 500 tuổi, có thể biến thành hình người. Thời kỳ Nam Bắc triều, có thể nói là thời kỳ then chốt mà hồ ly biến thành yêu nghiệt, trong chính sử đồng thời tồn tại sự kiện hồ ly chín đuôi thụy ứng (báo điềm lành) và hồ ly yêu nghiệt. Cuốn “Ngụy Thư – Linh Trưng Chí” ghi chép không ít chuyện hồ ly chín đuôi báo điềm lành, nhưng trong “Ngụy Thư – Tập 112” ghi chép hai sự kiện “hồ mị” (hồ ly mê hoặc người). Đầu tiên là “Cao Tổ Thái Hòa nguyên niên Ngũ nguyệt Tân Hợi, hữu hồ mị tiệt nhân phát, thời Văn Minh Thái hậu lâm triều hành đa bất chính chi trưng dã”, ý nói đương thời Thái hậu Văn Minh trên thân có hồ yêu, do đó cử chỉ hành vi không được đoan chính. Tiếp theo vào năm thứ hai Túc Tông Hi Bình, cũng có sự tình “hồ mị tiệt nhân phát nhân tương” tương tự phát sinh.

Sách “Tứ Dương Tạp Trở – Quyển 15 – Nặc Cao Kí Hạ” thời Đường ghi lại một truyền thuyết lưu truyền từ thời cổ đại, kể rằng một con cáo hoang đội mộ đeo đầu lâu bái Bắc Đẩu Tinh hóa thành hình người làm yêu nghiệt tác loạn. Người ta nói rằng loại cáo trời là hồ ly chín đuôi  thân vàng kim là tác hại nhất, nó rất giỏi dùng tà thuật sai khiến quỷ thần, có thể thông đạt âm dương, phục dịch tại cung Nhật Nguyệt. Từ khi hồ ly 9 đuôi biến thân vàng kim, loại hồ ly thân vàng này không còn là linh thú mang điềm lành nữa.

Cuốn “Triều Dã Thiên Tái” của Đường Thanh Trạc ghi chép: “Từ đầu thời nhà Đường, trăm họ đa sự đều cậy cục cáo thần, dâng lễ vật trong nhà để cầu xin ân huệ,……….. đương thời có câu ngạn ngữ: ‘Vô hồ mị, bất thành thôn’”. Động vật không thể tu thành Thần, dù nó được gọi là cáo thần, nhưng công năng của nó đến từ năng lượng âm, trên thực tế nó là hồ yêu. Người ta bái thờ hồ yêu để cầu xin chỗ tốt, thậm chí cả những chuyện không thể nói với người khác, họ đã tự chiêu ma rước quỷ lên thân. Lại nói, không có đức thì làm sao có thể nghiễm nhiên vô sự mà được chỗ tốt? Lấy gì để trả giá cho nó đây? Người bái thờ nó liền cấp năng lượng cho nó, thứ họ phải giao hoán là bảo vật quý báu nhất của thân người. Vào giữa triều Đường, bài thơ Nhạc Phủ mới của Bạch Cư Dị “Cổ Trủng Hồ – Giới diễm sắc dã” mô tả hồ ly giả trang thành mỹ nữ, để khuyến giới thế nhân kiêng diễm sắc, – về một phương diện, nó cũng phản ánh bối cảnh về thời đại hồ ly biến thành yêu nghiệt tại dân gian. Bài thơ như sau: 

Cổ trủng hồ  
Cổ trủng hồ, yêu thả lão, hóa vi phụ nhân nhan sắc hảo。  
Đầu biến vân hoàn diện biến trang, đại vĩ duệ tác trường hồng thường。
Từ từ hành bàng hoang thôn lộ, nhật dục mộ thì nhân tĩnh xử。
Hoặc ca hoặc vũ hoặc bi đề, thúy mi bất cử hoa nhan đê。
Hốt nhiên nhất tiếu thiên vạn thái, kiến giả thập nhân bát cửu mê。

Tạm dịch: Hồ ly mộ cổ
Hồ ly mộ cổ con yêu già, hóa thành mỹ nữ nhan sắc đẹp
Đầu biến tóc mây mặt trang điểm, đuôi lớn cụp trong xiêm váy đỏ
Từ từ đi dọc đường thôn vắng, tìm người nơi tĩnh lúc hoàng hôn
Hoặc ca hoặc vũ hoặc kêu khóc, mi xanh trĩu xuống nhan sắc hoa
Đột nhiên bật cười ngàn sắc thái, mười người thấy nó chín người mê.

Đôn Hoàng thời Tống viết cuốn “Nhi Lang Vĩ” (Phần 3) có miêu tả về “quái cầm dị thú, cửu vĩ thông Thiên”, trong đó viết hồ ly chín đuôi vào thời nhà Tống đã là hồ ly yêu nghiệt. Các văn nhân trong xã hội liền phản ánh hoàn cảnh này, ví dụ “Hầu Trinh Lục” của Triệu Lệnh Trù đã ghi: “Tiền Đường nhất quan kỹ, tính thiện mị hoặc nhân, hạo nhật cửu vĩ dã hồ.”, nghĩa là kỹ nữ ở Tiền Đường mê hoặc người, là hồ ly chín đuôi. Thời Tống có rất nhiều kỹ viện, do đó kỹ nữ cũng rất nhiều. Từ văn học dân gian thời Bắc Tống, “Đông Bắc mộng hoa lục” có thể thấy, từ kinh đô Biện Kinh đến các con hẻm, đâu đâu cũng có kỹ viện. Túng dục tình sắc và hồ ly chín đuôi tương hỗ kích thích nhau tạo thành một vòng tuần hoàn hủ hoại.

Đến “Võ Vương phạt Trụ bình thoại” thời nhà Nguyên và tiểu thuyết “Phong Thần Diễn Nghĩa” thời nhà Minh, con hồ ly vàng chín đuôi đã chiếm được thân thể của Đát Kỷ, trở thành một hồ ly tinh yêu nghiệt điển hình. Hồ ly chín đuôi trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” đã thể hiện một cách lâm li và sinh động điển cố “Vương giả khuynh ư sắc, tắc yêu hồ chí”, nghĩa là bậc vương giả mê đắm sắc ắt chiêu mời hồ yêu đến. 

Đây cũng chính là loài hồ yêu chín đuôi lông vàng mặt trắng (Tamamo Mae) trong “tảng đá sát nhân” được đề cập ở đầu bài viết, đã được dựng thành hàm tố trong văn hóa Nhật Bản. Trên thực tế, “Vương giả” cũng có thể hiểu rộng ra một quốc gia; và hồ yêu cũng không chỉ giới hạn ở nữ giới.

Đát Kỷ bị hồ ly chín đuôi lông vàng mượn thân phụ thể (hình bên phải). (phạm vi công cộng)

Lời kết

“Thụy Ứng Đồ” thuyết: “Cửu vĩ hồ giả, lục hợp nhất đồng tắc kiến”, cũng chính là, đức của con người hợp với đức của vũ trụ thiên địa. Nghĩa là hồ ly chín đuôi xuất hiện chính là vì “bậc vương giả mê đắm sắc ắt chiêu mời hồ yêu đến”. Hồ ly chín đuôi từ loài cát thú, thần thú mang điềm lành, biến thành yêu thú, phản ánh kết quả của quá trình một mạch lưu lạc, đánh mất những phẩm chất cao quý của con người mà dẫn đến. Trong quá trình diễn biến này, chúng ta thường thường không tự cảm nhận được, thậm chí không cảnh giác.

Hồ ly chín đuôi không tự nhiên phát biến thành yêu nghiệt, bởi nó cũng có hai mặt âm dương. Khi năng lượng thiện trong nhân giới chúng ta rớt xuống đáy, thì năng lượng ác sẽ tăng vọt, âm tiêu dương trưởng thì cũng là lúc yêu ma quỷ quái thừa cơ bám vào thân người tác loạn. Có lẽ đây là lý do tại sao hồ ly chín đuôi có thể kéo đứt sợi dây phong ấn tảng đá câu thúc nó rồi đào thoát.

Trận đại chiến nào sẽ xảy ra giữa người và yêu trong tương lai? Nói qua phải nói lại, chúng ta còn chưa đề cập đến việc cáo và hồ ly chín đuôi có một đức tính được cổ nhân ca tụng, đó chính là “hồ tử thủ khâu”, là nói rằng khi một con cáo chết, đầu của nó phải hướng về phía ngọn đồi nơi có hang của cáo, ẩn dụ là nó không vong bản nguyên, cũng có người giải thích đó là chí hướng muốn phản bổn quy chân, quay trở lại nơi tiên thiên của nó. Nhân loại chúng ta, vì đạo đức hủ bại về mặt tư tâm tình dục, mà chiêu mời họa loạn hồ yêu tà ma, trong cuộc chiến tiếp theo giữa người và yêu, duy chỉ phản bổn quy chân, tu tâm đoạn dục mới là con đường tốt nhất để đánh bại tà ma yêu quái. 

Tác giả: Dung Nãi Gia, The Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (097.738.1982)